Thursday, March 28, 2024
Google search engine
spot_img

Truy tìm nguyên nhân trẻ sơ sinh bị hắt hơi nhiều và cách khắc phục

Việc trẻ sơ sinh bị hắt hơi nhiều là nỗi lo của không ít ông bố bà mẹ. Khi thấy con hắt hơi thường xuyên, nhiều người nghĩ ngay đến việc con đang có các vấn đề bất ổn về sức khỏe.

Thực tế là bạn không nên quá lo lắng nếu bé yêu thường xuyên hắt hơi. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé thường xuyên bị hắt hơi và cách khắc phục.

Trẻ sơ sinh bị hắt hơi nhiều có phải là điều bình thường?

Nếu thấy bé yêu hắt hơi nhiều, bạn không nên quá lo lắng, đây là dấu hiệu cho biết cơ thể bé vẫn hoạt động tốt. Trẻ hắt hơi là một hành động lành mạnh và bạn nên vui mừng khi thấy bé có phản xạ này. Đây là một phản xạ được hệ thống thần kinh điều khiển giúp làm sạch các hạt bụi, dị vật nằm trong đường thở hoặc để khai thông tình trạng tắc nghẽn trong hệ hô hấp. Không khí chúng ta hít thở chứa đầy các hạt bụi, hóa chất, chất ô nhiễm, vi trùng và các tạp chất khác… Cơ thể chúng ta cần làm sạch những thứ này ra khỏi đường hô hấp theo cách tự nhiên là hắt hơi.

Phản xạ hắt hơi sẽ giúp làm sạch các hạt bụi và tạp chất bị tắc trong đường thở của bé và giữ cho luồng không khí đi vào và ra khỏi mũi theo cách tự nhiên. Vì vậy, nếu trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị ho và hắt hơi nhưng không bị sốt hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như thở khò khè , phát ban… bạn không cần phải lo lắng về bất kỳ tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, nếu bé hắt hơi liên tục trong thời gian dài, bạn nên đưa con đến gặp ​​bác sĩ để tìm hiểu nguyên do và có hướng xử lý kịp thời.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị hắt hơi nhiều và cách khắc phục

Hắt hơi là một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và có khá nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Làm sạch đường thở

Trẻ sơ sinh thở bằng mũi và phải mất khoảng 3 – 4 tháng sau sinh con mới biết thở bằng miệng. Do đó, mỗi khi đường thở có gỉ mũi, dịch đờm nhầy hay bụi… bám vào gây cản trở quá trình hô hấp, con sẽ hắt hơi thường xuyên nhằm làm sạch đường thở để có thể thở bình thường.

Cách khắc phục: 

Mỗi ngày, bạn nên vệ sinh mũi cho con bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 2 lần (sáng và tối hoặc sau khi tắm), dùng tăm bông làm sạch mũi cho bé.

2. Lỗ mũi nhỏ

Trẻ sơ sinh có mũi nhỏ, điều này đồng nghĩa với lỗ mũi của con hẹp hơn so với người lớn chúng ta. Lỗ mũi hẹp khiến các hạt bụi từ trong không khí dễ dàng bám lại hơn. Do đó, bé có thể phải hắt hơi để tống xuất bụi ra khỏi đường thở.

Cách khắc phục: 

Nếu bé hắt hơi liên tục, bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé rồi dùng tăm bông làm sạch. Hạn chế đưa trẻ đến những nơi nhiều khói bụi, không khí bị ô nhiễm.

3. Lỗ mũi bị tắc

Lỗ mũi của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường dễ bị tắc. Khi bạn cho bé bú mẹ, một bên lỗ mũi của bé (bên áp vào cơ thể mẹ) có thể bị ép hoặc bị chèn, làm gia tăng nguy cơ lỗ mũi của con bị tắc. Điều này khiến bé có thể hắt hơi nhiều ngay sau đó.

Cách khắc phục: 

Khi cho bé bú, mẹ nên quan sát tránh để mặt và mũi bé áp quá sát vào cơ thể mẹ.

4. Hít thở bầu không khí bị ô nhiễm

Việc hít phải các chất kích thích như khói thuốc lá, khói nhang, khói từ nhà bếp, nước hoa có mùi mạnh, các hạt bụi, lông thú cưng… có trong không khí cũng là nguyên nhân khiến bé hắt hơi. Vì bé cưng không thể khịt mũi hoặc thở hắt ra để loại bỏ những thứ này mà chỉ có thể hắt hơi nên bạn sẽ thấy con hắt hơi thường xuyên.

Ngoài ra, nhiều bé thường bị hắt hơi sau khi nôn trớ. Nguyên do là khi trẻ nôn, sữa hoặc thức ăn có thể tràn vào đường thở gây kích ứng khiến trẻ hắt hơi. Do đó, sau khi cho bé bú hoặc ăn, bạn không nên cho con nằm ngay.

Cách khắc phục: 

Để ngăn chặn điều này, nhất là giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà, bạn cần giữ cho không gian sống được thông thoáng. Do đó, bạn nên hạn chế đốt nhang, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán này, không để ai hút thuốc trong nhà hay tiếp xúc với bé, hút bụi thường xuyên, mở cửa sổ và cửa lớn để không khí lưu thông dễ dàng… Ngoài ra, bạn có thể lắp đặt quạt hút, máy lọc không khí nhằm cho bé được hít thở bầu không khí trong lành hơn.

5. Do sốt hoặc bệnh

Triệu chứng hắt hơi ở trẻ cũng có thể là dấu hiệu của cảm lạnh. Các triệu chứng phổ biến nhất của cảm lạnh bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên, hắt hơi, ho và chảy nước mũi. Do hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ chưa trưởng thành nên con có thể dễ dàng lây cảm lạnh từ các thành viên khác trong gia đình, nếu họ bị cảm lạnh. Vì vậy, là cha mẹ, bạn phải đảm bảo rằng bất kỳ ai tiếp xúc với em bé đều rửa tay đúng cách và sạch sẽ. Những người bị cảm, ho cần tránh tiếp xúc với bé hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bé.

Cách khắc phục: 

Khi con bị cảm lạnh, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được điều trị ngay nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở nặng.

6. Thời tiết quá hanh khô

Vì bé cưng còn khá nhỏ nên chất nhầy trong mũi của con cũng có thể khô khá nhanh, nhất là khi tiết trời lạnh, những nơi có không khí khô hay khi con thường xuyên ở trong phòng máy lạnh. Điều này có thể làm cho bé hắt hơi thường xuyên hơn.

Cách khắc phục: 

Bạn có thể cho bé sử dụng máy tạo độ ẩm không khí, hạn chế để bé ở trong phòng có gắn điều hòa liên tục.

7. Dị ứng

Viêm mũi dị ứng hay còn gọi là sốt cỏ khô là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị hắt hơi thường xuyên. Việc hít phải các hạt vật chất trong không khí khiến cơ thể một số trẻ nảy sinh phản ứng dị ứng dẫn đến sốt cỏ khô. Tình trạng này cũng có thể xảy ra do hít phải khói bụi ô nhiễm, lông động vật, phấn hoa hay bị côn trùng đốt/chích/cắn… Thực tế là bạn hoàn toàn không thể bảo vệ bé tránh tuyệt đối khỏi việc tiếp xúc với các tác nhân này.

Cách khắc phục: 

Bạn nên đưa bé đi khám, các bác sĩ có thể cho bé sử dụng thuốc kháng histamine để giảm nhẹ triệu chứng.

Trẻ sơ sinh bị hắt hơi cần đưa đi khám khi nào?

Trẻ sơ sinh bị hắt hơi khá thường xuyên và đôi khi liên tục trong một khoảng thời gian ngắn là rất bình thường. Thế nhưng nếu bé bị hắt hơi nhiều kèm theo triệu chứng sổ mũi, ho và sốt, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, nếu bé có các triệu chứng sau đây, con sẽ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Bé thở rất nhanh hoặc thở hổn hển: Đây là dấu hiệu cho biết con đang khó thở.
  • Con hít thở mạnh, vẻ mệt mỏi trong khi thở cũng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe và tình trạng khó thở.
  • Bé bú/ăn ít hơn trước và tỏ ra, mệt mỏi, uể oải.
  • Nếu bé ngủ nhiều bình thường, lừ đừ…

Ngoài ra còn có một số dấu hiệu phổ biến khác mà trẻ sơ sinh thường gặp phải như nấc cụt, ngáy khi ngủ… Nhưng những điều này không có gì đáng lo ngại nếu bé không có các vấn đề khác kèm theo. Mỗi khi đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về việc chăm sóc trẻ.

spot_img

Related Articles