Friday, March 29, 2024
Google search engine
spot_img

Giới thiệu các vị thuốc tả hạ trong y học cổ truyền

Thuốc tả hạ là những thuốc làm thông lợi đại tiện, dùng khi bệnh tà ở lý, gây chứng đại tiện bí táo.

Thuốc làm tăng nhu động vị tràng, đặc biệt là đại tràng, nên gây đại tiện lỏng.Mặt khác, do bản chất giữ nước, nên thuốc có khả năng hoạt tràng.Thường được dùng trong trường hợp đại tiện bí, táo kết, cũng được dùng để loại trừ chất độc lưu tích trong vị tràng.

Thông qua tác dụng tả hạ, các tạng phủ trong cơ thể cũng được hoãn giải. Khi bị xung huyết hay bị xuất huyết vị tràng kèm theo bí đại tiện sẽ gây triệu chứng đau bụng. Do đó, đối với các chứng đau tức bụng, đầy bụng có táo kết, dùng phương pháp tả hạ sẽ có kết quả tốt. Ngoài ra, đối với các chứng phù nề, đại tiểu tiện bí, dùng thuốc tẩy xổ để trục thủy.Nếu có trùng tích mà dẫn đến bí đại tiện thì phải khử trùng, tiêu tích trệ.

Dựa vào tính chất và cường độ tác dụng, có thể chia thuốc tả hạ làm ba nhóm: Công hạ, nhuận hạ, trục thủy.

Thuốc công hạ

Thuốc tả hạ có tính hàn: Vị đắng, tính hàn, có khả năng thông đại tiện, tả hỏa. Dùng trong các trường hợp thực nhiệt bí kết, đại tiện bí táo do nhiệt tà ở khí gây táo kết vị tràng. Bệnh nhân đau bụng, sốt cao, mê sảng, chân tay ra mồ hôi, mặt đỏ, môi hồng đỏ, khát nước, rêu lưỡi vàng khô, mạch trầm thực, hoạt sác, phân tích thành cục, rắn… Sử dụng thuốc tả hạ có tính hàn khi chính khí chưa suy, bao gồm: Đại hoàng, mang tiêu, lô hội, muồng trâu…

Đại hoàng (Rhizoma Rhei): Thân rễ đã cạo vỏ để nguyên hay thái thành phiến phơi hoặc sấy khô của các loài đại hoàng (Rheum palmatum L.) hoặc Rheum officinale Baillon, hay giống lai của hai loài trên, họ Rau răm (Polygonaceae).

Đại hoàng

Thành phần hóa học: tanin, antraglycosid.

Tác dụng dược lý: Antraglycosid trong đại hoàng gây đại tiện lỏng, mạnh nhất là sennocid A, B, C. Khi qua đường tiêu hóa, các antraquinon  ở thể tự do sẽ bị oxy hóa, do đó tác dụng này bị giảm đi. Dạng kết hợp sẽ được bảo vệ cho đến khi tới đại tràng, rồi sẽ bị phân giải bởi men tiêu hóa thành dạng alycon, gây kích thích đại tràng, tăng nhu động ruột, giảm sự tái hấp thu của ruột già. Tanin  trong đại hoàng có tác dụng thu sáp, nếu dùng nhiều thì sau khi tẩy xổ sẽ gây bí đại tiện. Tanin của đại hoàng có thể làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch, làm mao mạch bền vững, nên có tác dụng cầm máu. Ngoài ra, đại hoàng còn có tác dụng làm tăng bài tiết mật, trừ sỏi mật, tăng phân tiết dịch tiêu hóa, giảm cholesterol trong máu .

Thuốc tả hạ có tính nhiệt: Thuốc tả hạ có tính nhiệt được sử dụng khi bí đại tiện do thực hàn kết tụ trong tràng vị. Hàn ngưng tích trệ khiến cho nhu động ruột giảm, phân khó thải ra ngoài. Triệu chứng thường gặp của loại bệnh này là: ăn uống không tiêu, đau vùng bụng dưới, chân tay lạnh, miệng không khát, thích ấm, sợ lạnh, nước tiểu nhiều và trong. Các thuốc thuộc nhóm này thường có vị cay, tính nóng, bao gồm: ba đậu, lưu hoàng, khiên ngưu…

Ba đậu (Fructus Crotonis): Dùng quả chín phơi khô của cây ba đậu Croton tiglium L, họ Thầu dầu Euphorbiaceae. Đông y thường dùng ba đậu ép bỏ dầu lấy bã, gọi là ba đậu sương.

Tác dụng dược lý: Dầu béo và nhựa ba đậu trong môi trường kiềm ở ruột sẽ tách ra thành acid aratonic và phorbol, có khả năng kích thích mạnh thành ruột, làm tăng nhu động ruột và gây tiêu chảy. Dầu ba đậu và phorbol nếu gặp chất uretan có thể gây ung thư vú và ung thư da. Crotin trong ba đậu có tác dụng làm tan hồng cầu, gây hoại tử tế bào cục bộ, dẫn đến phát đỏ, phồng và viêm tấy.

Chủ trị:

– Thông đại tiện, ôn tràng: dùng khi thức ăn bị tích trệ trong ruột do tỳ vận hóa không tốt, đại tiện bị táo. Có thể dùng ba đậu sương, sinh khương, đại hoàng lượng bằng nhau, nghiền nhỏ làm viên, mỗi lần dùng 0,5 – 1g.

– Trục thủy, tiêu thũng: dùng trong trường hợp ngực bụng bị phù nước, phình trướng. Dùng ba đậu, hạnh nhân lượng bằng nhau, mỗi lần uống 0,4 – 0,8g

Ba đậu

Loại nhuận hạ

Phần lớn thuốc nhuận hạ là các loại hạt có dầu, có khả năng hoạt tràng, thúc đẩy việc truyền tống phân ra ngoài. Loại thuốc này thường có vị ngọt, tính nhu nhuận, dùng cho những người táo bón mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh đẻ bị táo bón, người già hư nhược, mệt nhọc, tân dịch không  đủ gây đại tiện bí táo. Đồng thời, thuốc còn dùng cho những người bí đại tiện thường xuyên mang tính chất tập quán.

Thuốc nhuận hạ tính hòa hoãn hơn, nên khi dùng cần phối hợp để phát huy tác dụng.

– Nếu do nóng qua mà hao tổn tân dịch, dẫn đến đại tiện bí, có thể dùng kèm thuốc dưỡng âm.

– Nếu có kèm chứng huyết hư thiếu máu thì dùng thuốc bổ huyết.

– Nếu bí đại tiện mà kèm theo khí trệ thì phối hợp thuốc hành khí.

Nhóm nhuận hạ bao gồm các vị thuốc: Mật ong, ma nhân, lá me, mồng tơi…

Mật ong (Mel): Mật ong là mật của con ong mật gốc châu Á (Apis cerana Fabricus) hay ong mật gốc châu Âu (Apis mellifera L.), họ ong mật (Apidae).

Chủ trị: Bổ trung nhuận táo, chỉ thống, giải độc

– Nhuận trường thông tiện: Khi bị táo bón, dùng 2 muỗng mật ong (10 – 20ml) uống với nước sôi để nguội, mỗi ngày một lần. Dùng 30ml mật ong, phác tiêu 8g, nước nóng 100ml, hòa đều mà uống có thể trị được chứng đại tiện bí táo nặng. Cũng có thể dùng 5 – 10ml mật ong để thụt hậu môn, sẽ giúp thông tiện đối với trẻ em sốt cao mà đại tiện bí kết

– Nhuận phế chỉ khái: Dùng trị ho khan do phế táo, có thể dùng bài thuốc gồm 2 muỗng mật ong, 4g gừng, 12g hạnh nhân. Sắc hạnh nhân với nước gừng, sau đó pha trộn với mật ong, uống để trị ho do phế khí trướng nghịch. Hoặc dùng mật ong ngày 2 lần, mỗi lần 1 muỗng, uống với nước đun sôi để nguội, dùng trị ho khan không có đờm

Ma nhân (Semen Sesami nigrum): Dùng hạt của cây mè đen (vừng đen, hồ ma, chi ma, du tử miêu)  Sesamum  indicum DC., Sesamum orientale L, Sesamum lutrum Retz., họ vừng Pedaliaceae. Còn có tên là hồ ma nhân

Chủ trị: Ích gan, bổ thận, dưỡng huyết, nhuận táo.

– Bổ can thận, dưỡng huyết: Dùng cho người thiếu máu, chức năng can thận yếu, huyết hư, tóc bạc sớm. Dùng mè đen, hà thủ ô đỏ đồng lượng tán mịn, làm hoàn.

– Nhuận trường thông đại tiện: Dùng điều trị chứng táo bón ở người ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh, mỗi ngày dùng 40 – 60g.

– Chỉ huyết: dùng trong trường hợp xuất huyết do giảm tiểu cầu.

– Lợi sữa: dùng cho phụ nữ sau khi sinh không có sữa hoặc thiếu sữa.

– Dầu mè có hiệu quả tốt trong trường hợp phụ nữ sinh khó, ối vỡ, đã khô mà vẫn chưa đẻ được: lấy dầu mè 50ml, mật ong 50ml, cho vào nồi đồng, nấu sôi 2 – 3 dạo, vớt bọt, thêm 40g hoạt thạch vào, khuấy đều, uống lúc nóng với mật ong.

spot_img

Related Articles